“Nếu để phải chọn một họa sĩ hiện đại và giữ được bản sắc dân tộc, Thành Chương l...
Read moreNhân vật được đề cử vào danh sách Top 50 Người Tiên phong là những ng...
Read moreĐắt nhất thì có thể, nhưng nói đó là “tư gia" thì thật...
Read more"Cái “ngữ” tôi thường thì chả mấy khi biết thế nào là đủ...
Read more“Muốn uốn nắn con thì phải ngồi chung thuyền với nó, thay vì đứng trên...
Read moreThành Chương, đi tận cùng mình! |
“Nếu để phải chọn một họa sĩ hiện đại và giữ được bản sắc dân tộc, Thành Chương là người xứng đáng nhất!”. Năm nào tôi giận Bế Kiến Quốc, sau khi Thành Chương làm trung gian hòa giải cho bè bạn, Thành Chương giữ tôi lại nhà anh ở ngõ Quỳnh và qua đêm tại đó. Nửa đêm, Chương lôi ở đâu ra hai cái va-li phủ bụi, trong toàn tranh là tranh. Họa sĩ Thành Chương Suốt đêm tới sáng, tôi giở hết từ tờ này đến tờ khác, những bức tranh từ khi họa sĩ Thành Chương còn chập chững những nét vẽ đầu tiên, cả những phác thảo dẫn tới bức tranh Đôi gà tồ đoạt giải vàng tại Anh và cuộc hành trình hơn ba chục năm trong chiến tranh và cả sau cuộc chiến. Tôi không thể đếm được hai chiếc va-li lớn ấy có bao nhiêu phác thảo và tranh, mà Chương đã đi từ thấp tới cao, từ hết trường phái này tới trường phái khác để tạo nên một Thành Chương hiện đại ngày hôm nay. Khi ấy là năm 1999. Hóa ra, để có một Thành Chương khi ấy và hôm nay, anh đã vượt qua biết bao trường phái cũ, đã đẽo vuông bao nhiêu năm, một cách chuẩn xác, rồi mới đẽo tròn. Cuộc hành trình không giản đơn! Hai va-li tranh ấy, đã dựng lên một quá trình Thành Chương lao động nghệ thuật một cách rất nghiêm túc và lao khổ để tới khi anh trở thành nổi tiếng. Năm 1998 và 1999, Chương bán được rất nhiều tranh. Hotel 5 sao Daewoo treo tranh anh từ tầng một tới tầng thượng. Riêng tranh chân dung tự họa, hàng trăm khuôn mặt Thành Chương bán đi khắp thế giới.. Cũng 1999 ấy, anh ra vựng tập đầu tiên in ở Sài Gòn. Vựng tập tranh mầu rất công phu và ảnh chụp tranh chuẩn, đẹp. Tôi mang về cho cha tôi, một họa sĩ già Boda khóa 3. Cha tôi xem kỹ từng trang suốt bốn năm tiếng đồng hồ và sớm sau bảo: “Bạn con tài ! Đẹp thật và táo bạo! Khiếp quá, thế hệ các anh lao động ghê thật!”. Những họa sĩ Đông Dương già rất ít khi khen ai. Cha tôi lại kiệm lời và có biệt danh Thiệu Hiền và Thiệu Kĩ thời ở Boda... Và tôi tự hào là bạn Chương khi ông khâm phục Thành Chương. Để tới một họa sĩ không thuộc về nơi nào cả trên các trường phái cụ thể ngoại quốc, Thành Chương đã tạo nên khuôn mặt hội họa riêng biệt hiện đại và bước được ra thế giới. Nó đúng vào điều mà các nước tiên tiến kỳ vọng ở những nước nhược tiểu khi mà nghệ thuật phải mang bản sắc văn hóa chủng tộc. Nhà thơ Bế Kiến Quốc khi còn sống từng tâm sự: “Nếu để phải chọn một họa sĩ hiện đại và giữ được bản sắc dân tộc, Thành Chương là người xứng đáng nhất!”. Tranh Thành Chương luôn thấm đậm tâm hồn thuần Việt. Sự cách điệu vật và người, những gam mầu chủ đạo của đền chùa miếu mạo Việt Nam như đỏ và đen, các khối vàng luôn được khai thác đúng chỗ nên vừa hiện đại mà vẫn gửi gắm được khát vọng tâm hồn Việt. Có thể chính vì điều đó khi Thành Chương không giống và bắt chước bất kỳ một họa sĩ nào trên thế giới, đã hút hồn rất nhiều doanh nhân buôn tranh và các họa sĩ nước ngoài khi đến với tranh anh. Gần đây anh khoe với tôi vựng tập 48 tranh xoay quanh đề tài tính dục. Có lẽ anh là người quyết liệt đi tới tận cùng và cũng là người đầu tiên, như tôi được biết có một cái nhìn cận và trực diện mạnh với đề tài này. Một đề tài mà ngay cả những nước tiên tiến cũng coi là lĩnh vực đầy nhạy cảm. Sự quyết liệt của Thành Chương phải kể tới công trình Việt Phủ Thành Chương mà suốt hơn 12 năm nay anh dành trọn sức khỏe, tiền tài của mình cho nó. Tôi có mặt ở đây ngay từ ngày đầu anh đặt viên đá xây dựng tường gạch bao quanh. Thành Chương chăm sóc tỉ mỉ từng viên gạch. Riêng cái cổng, vật thể đầu tiên chạm vào Việt Phủ, tốn phí hàng trăm triệu mỗi lần xây, được anh xây đi rồi xây lại đến vừa ý rồi mới thôi. Có người tới đây xem qua loa, bằng tâm thức sau sự tò mò những thông tin trên báo chí, hàm hồ nói: Việt Phủ Thành Chương trọc phú. Họ đâu biết rằng với toàn bộ công trình sắp đặt không gian khổng lồ lại có cả giá trị sử dụng này, Thành Chương có lúc trở nên rất khó khăn về tiền bạc, khi anh đã dồn tất cả tiền nong kiếm được sau bao nhiêu năm trời để thu gom từng vật thể, từng cái cây, từng khóm hoa và từng viên đá nhỏ... Bàn tay và đôi mắt họa sĩ tài danh này trong quá trình sưu tập và dựng lại không gian văn hóa kiến trúc Việt đã phải lưu tâm tới từng viên gạch nhỏ. Chuyện rằng, có một chú bé tới đây làm phụ hồ, rồi phụ điêu khắc từ khi cậu 12 tuổi, sau 10 năm ở phủ đã trở thành một thợ điêu khắc lành nghề, thậm chí có thể gọi là siêu thặng, dưới sự dạy bảo và chỉ dẫn của người thầy Thành Chương. Từ con người tới từng vật thể văn hóa nhà và vật dụng văn hóa Việt, họa sĩ đã giữ lại cho hậu thế không phải chỉ là tài sản của gia đình ông. Giờ đây, khi nó đã được hàng vạn người tới tham quan và biết tới, được rất nhiều chính khách của những quốc gia tiên tiến chú ý và tới tận nơi để chiêm ngưỡng, thì công trình văn hóa này đã thuộc về nhân dân, thuộc về sự tự hào và nơi hoài niệm, nơi cất giữ một dòng chảy lịch sử kiến trúc và tâm linh văn hóa ăn ở người Việt. Nhân chuyện này, tôi xin nhắc tới công trình văn hóa nghiên cứu của họa sĩ Phan Cẩm Thượng, với cuốn Văn minh vật chất người Việt. Ở đây, Phan Cẩm Thượng đặt con mắt nghiên cứu của mình trên trang sách, còn họa sĩ Thành Chương thì triển khai một phần của văn minh vật chất người Việt trên mặt đất, ở cái khoảnh hơn 10 ngàn mét vuông, trong dạng thức sắp đặt bảo tồn mà vẫn có gia trị sử dụng. Năm nào khi nhà văn, nhà báo Cao Nhị còn sống, tôi đưa ông tới đây cùng nhạc sĩ Mai Lâm. Cao Nhị đứng giữa trời, tóc bạc bay mà rưng rưng khóc. Ông thốt lên: Đẹp quá! Đẹp muốn khóc! Gần đây, chúng tôi quay lại Việt Phủ, được chiêm ngưỡng thêm không gian tưởng niệm người cha của Thành Chương- nhà văn Kim Lân. Lại một sự tưởng niệm đầy sáng tạo, không lệ thuộc vào những kỷ vật của người cha kính yêu, người con trai cả của Kim Lân đã dùng chữ để thờ cha mình. Bốn bức tường dày đặc những dòng truyện của nhà văn lỗi lạc. Thành Chương buộc người xem phải bước qua một cái ngưỡng(1), rồi đi thẳng qua một lối hẹp để cận đến bàn thờ của cha ông. Tôi nhớ tới cái ngưỡng của văn hóa Việt, buộc người ta phải cúi đầu xuống khi là khách của các gia đình hay đền thờ miếu mạo, bước những bước đầu tiên vào nơi họ đến. Lại một sự hiện đại và kế tục truyền thống văn hóa dân tộc. Cõi Kim Lân Từ khi quen biết Thành Chương tới nay, với tôi anh luôn là người bạn tâm giao chia sẻ những vui buồn, những mất mát và chia lìa. Tôi tin anh, khi một ngày một người Mỹ đã đến mua tranh, Thành Chương hồn nhiên kể về cuộc chiến mà anh đã tham gia. Người phiên dịch sợ hãi nhắc anh bằng tiếng Việt: “Ấy ấy đừng kể, có thể người ta không mua tranh của anh, nếu biết anh là người lính chống lại người Mỹ”. Thành Chương nói gần như nổi cáu với người phiên dịch: “Sao tôi lại phải giấu quá khứ, một sự thật mà tôi đã từng tham chiến. Mua tranh hay không mua tranh thì thôi”. Cố thi sĩ Bế Kiến Quốc nghe xong chuyện này im lặng. Vài ngày sau, một bài thơ ra đời: Chúng ta không thể không thuộc về đâu Khi tôi làm thơ, khi bạn vẽ Đừng ai hỏi vì sao Đã như thế, vẫn đang như thế Từ những tháng năm nào Không chọn lựa, nhưng không chối bỏ Mảnh đất nơi mình cắt rốn chôn rau Như người mẹ, ai có quyền chọn lựa? Xin cảm ơn buồng trứng, bầu sữa và lời ru của mẹ Chúng ta không thể không thuộc về đâu cả Khi tôi làm thơ, khi bạn vẽ Ta yêu thương, ta dại khờ, lầm lỡ Trong một đời đầy thử thách ta qua Xin cảm ơn đồng đội đã cùng ta Chung cơn đói, chia niềm vui nỗi khổ Người con gái ta yêu và cũng yêu ta Xin cảm ơn mái tóc, làn môi, đôi tay, cặp vú Ta chọn lựa và ta không chối bỏ... Nhiều khi tôi phải xa Thành Chương, nhưng tôi luôn nhớ một con người pha trò giỏi nhất trong mấy đứa bạn thân, nhặt sạn thơ cũng tinh tế nhất, cũng là người biết mang niềm vui lại cho người khác không phải là bạn bè thân thuộc mỗi dịp xuân về bằng những món quà nho nhỏ khi anh có tiền... Ở bất cứ lĩnh vực nào, anh cũng là Thành Chương - một con người đi tận cùng mình! Nếu có phải giới thiệu một người Việt Nam nhất, nghệ sĩ nhất trong đám bạn bè tôi với bạn bè thế giới, tôi không ngại ngần mà đề cử họa sĩ Thành Chương-hiện đại-dân tộc-đầy bản sắc thuần Việt... ------------- (1) Cái ngưỡng đặt trước cửa nhà của người Việt và đền thờ miếu mạo, người vào buộc phải cúi đầu xuống do vấn đề trọng lực khi bước qua ngưỡng, thường là tất cả những bàn thờ đều đối diện với cửa chính, như vậy muốn hay không muốn khách phải cúi lạy gia tiên của gia chủ. |