Khi dư luận còn chưa lắng hẳn quanh câu chuyện xây dựng Việt phủ Thành
Chương và khu biệt thự của diva làng nhạc Việt Mỹ Linh, tôi đã đến... Và
tôi đã nhận được những sự tử tế ở nơi đây, khiến tôi thêm yêu Hà Nội.
Một góc Việt phủ Thành Chương
Chiều qua (29.6), tôi cùng bạn bè đi chơi ở Flamingo DaiLai resort (thị
trấn Phúc Yên, Vĩnh Phúc), tiện thể ghé qua khu Việt Phủ Thành Chương
(Sóc Sơn, Hà Nội). Vai trò ban đầu của tôi là phó nháy cho bạn bè, rồi
bỗng trở thành... mẫu để bạn bè sáng tác. Vì bị động, nên tôi cuống
cuồng make-up, dúi vội vào tay những cậu bạn rảnh rang mớ đồ đạc của
mình cùng chiếc IPad.
Tôi mải mê pose (tạo dáng), cậu bạn sử dụng IPad xong quên đâu đó, rồi
mải mê "chém gió". Đến 16h30, bỗng một cậu em của tôi đang ngồi nhà ở Hà
Nội gọi: "Chị ơi, chị có đang đi chơi ở Việt Phủ Thành Chương không?".
Tôi trả lời "có", thì cậu nói: "Có người gọi điện cho em báo nhặt được
một cái IPad, chị gọi điện cho họ để nhận lại IPad nhé". Sở dĩ họ liên
lạc được với cậu em vì danh bạ trong FaceTime của IPad, tôi lưu tên cậu.
Nghe vậy, tôi vội vàng gọi cho số điện thoại 0969.791... (sau được biết ở
phố Nguyên Hồng) thì bị ngắt kết nối, sau đó máy tắt hẳn. Cố liên lạc 4
lần không được, tôi đang băn khoăn không hiểu thế nào, hay điện thoại
họ hết pin? Tôi đi ra cổng, thấy các cậu bạn đang trình bày với bác bảo
vệ già để nhận lại chiếc IPad. Tôi xác nhận số điện thoại trên IPad với
các số trên điện thoại mà tôi vừa liên lạc, thì ngay lập tức nhận lại
được món đồ trị giá trên chục triệu đồng của mình. Tôi rối rít cảm ơn
bác bảo vệ, bác chỉ nhìn tôi hiền từ và "ừ".
Lúc đó, tôi đã nghĩ ngay đến chuyện cảm ơn bác bảo vệ, nhưng băn khoăn
không biết nên làm cách nào cho hợp lý; bởi tất cả đồ đạc, tiền nong ở
trên ôtô ngoài bãi xe, quanh đó cũng chẳng có hàng quán gì để mua chút
hoa quả "gọi là". Tôi đành ra về, lòng tự hứa sẽ sớm quay lại, để có thể
có chút quà cảm ơn bác.
Với người nhặt được của rơi, tôi nhắn tin cảm tạ vì không liên lạc được
và xin một cái hẹn cafe để cảm ơn. Họ chỉ luôn luôn nói "Không có gì đâu
bạn!". Rồi họ hẹn lúc nào đến nhận chiếc vỏ IPad rớt lại trên ôtô của
họ lúc trao cho bác bảo vệ. Khi tôi nhất quyết muốn gặp mặt để cảm ơn
đàng hoàng, họ vẫn chỉ từ chối lịch sự bằng câu "Không có gì mà bạn".
Vì họ coi việc "nhặt được của rơi, trả người đánh mất" là hết sức bình
thường, nhất quyết từ chối sự cảm ơn, lại khiến chính tôi cảm thấy áy
náy với toan tính cảm ơn bằng được của mình.
Cũng từ sự việc trên, tôi mới ngẫm rằng chẳng biết những ai đó nhất
quyết đòi đập phủ Thành Chương thì liệu họ đã từng đến đây chưa, để thấy
nỗ lực duy trì nét văn hóa cổ truyền của chủ nhân. Không chỉ ở kiến
trúc, mà cả văn hóa ứng xử của con người nơi đây. Với cung cách nhẹ
nhàng đối với du khách, nhân viên khiến khách đến đây không thể thô lỗ
hay vứt rác bừa bãi.
Là điểm đến du lịch hấp dẫn, nhưng không hề có sự ''chặt chém'' thường
thấy trong lĩnh vực du lịch của ta. Chúng tôi vừa ở DaiLai Flamingo
resort, ngồi uống bên hồ chờ bạn bè đi chụp ảnh về, với 3 cốc nước chanh
tươi, 1 lon Coca-Cola, 1 chai bia Hà Nội và thanh toán "nhẹ nhàng"
462.000 đồng. Dẫu biết giá cả ở các resort dĩ nhiên phải cao hơn thị
trường nhiều, nhưng vẫn là khá "chát" so với nhiều resort khác. Do đó,
tất cả chúng tôi "sốc" với giá 9.000 đồng/ cốc nước chanh tươi ở Việt
phủ Thành Chương.
Và đọc những dòng lưu bút ở phủ Thành Chương, chúng tôi còn thấy những
ghi nhận, động viên về công lao đóng góp, duy trì và phát huy bản sắc
dân tộc từ những lãnh đạo cấp cao của Nhà nước. Vậy, Việt phủ Thành
Chương có đáng đập bỏ hay không?
|