Kỷ niệm 5 năm ngày mất của nhà văn Kim Lân, họa sĩ Thành Chương, con trai cả của cụ mời rất đông bạn bè lên Phủ của mình để khánh thành khu lưu niệm cho cha, một công trình mà anh đã bỏ bao công sức, thời gian và cả rất nhiều nỗi niềm…
Vẫn biết Thành Chương luôn làm nhiều điều bất ngờ, cả trong sáng tác lẫn cuộc đời. Nhưng khi được chứng kiến những gì anh đã làm cho cha anh tại khu tưởng niệm này thì quả là một bất ngờ lớn.
Đó không còn là một khu lưu niệm theo ý nghĩa quen thuộc nữa, mà đó là một tác phẩm nghệ thuật bao gồm sắp đặt, kiến trúc, hội họa cộng lại để tạo nên một cõi tâm linh mang trọn vẹn hồn cốt của nhà văn Kim Lân, một nhà văn luôn đứng về phía những người đau khổ với tất cả sự thanh sạch của cuộc đời mình.
Cái hữu hạn của đời người trong cõi vô cùng, vô tận của trời đất, xét về mặt nào đó thì đúng là thoáng chốc và vô nghĩa. Nhưng có những đời người không trôi theo thời gian, khi kết thúc cái hữu hạn hình hài thì cũng là điểm bắt đầu cho một đời sống để tồn tại trong không gian tâm tưởng cho các thế hệ. Tác phẩm của họ mới là cái hữu hình. Nào ai biết được khuôn mặt cụ Nguyễn Du, người ta chỉ biết đến con chữ của cụ. Tôi cứ nghĩ thế khi chìm đắm trong không gian tưởng niệm nhà văn Kim Lân. Và chắc là họa sĩ Thành Chương cũng sẽ nghĩ như vậy khi anh tạo dựng nên chốn linh thiêng này.
Anh chọn một nơi bình yên nhất, hậu cung tòa chính của Phủ để xây dựng ngôi nhà năm gian theo truyền thống. Trước đó là một gian nghỉ, một cổng làng nhỏ, một con đường mái vòm nhỏ, dẫn vào gian chính, nơi đặt bát hương, ảnh thờ nhà văn cùng bút tích cuối cùng của cụ, di vật duy nhất mà anh có được. Cả năm gian nhà, đều màu trắng, trên cái nền trắng đó là những con chữ trích ra từ những tác phẩm của cụ, chữ đen, chỉ duy nhất có những dòng chữ đỏ, lớn hơn một chút là tên hai tác phẩm nhà văn tâm đắc và được coi là để đời “ Vợ Nhặt” và “Làng”.
Ý niệm về nghệ thuật sắp đặt đã được Thành Chương xử lý thật tinh tế trên mặt phẳng của tường. Bố cục của những dòng chữ dẫn dắt người xem như được lật giở từng trang sách, để rồi từ đó, những miền quê, những phận người ẩn hiện, và rõ nét hơn là cả một vũ trụ tinh thần của nhà văn Kim Lân. Diện tích cụ thể của cả năm gian tưởng niệm không rõ là bao, nhưng rõ ràng không gian đó, với cách sắp đặt đó, vừa đủ cho một người, lại vừa đủ cho cả mọi người. Đúng trong cái thế giới “Trắng” và “Chữ” đó mới ngẫm ra rằng, người nghệ sĩ đích thực, hay nói kỹ hơn, cụ thể hơn, một nhà văn đã mang hết tâm can mình, tài năng của mình, nhân cách của mình trao gửi cho trần gian, khước từ tất cả những gì là phù phiếm thì cô đơn biết nhường nào, một nỗi cô đơn tràn đầy ý nghĩa. Và, hình như đó chính là niềm hạnh phúc rất riêng tư, rất sang trọng của cụ. Phía ngoài gian chờ, Thành Chương đặt một mâm gỗ có đôi bát đũa ngày xưa, có ngọn đèn dầu… anh cụ thể hóa cái chi tiết trong truyện ngắn “Làng” của cụ, nhìn ngắm mãi mà ngỡ như đây là món quà của nhà văn cho những ước vọng hạnh phúc nhỏ nhoi của những phận người bé bỏng. Nhà văn Kim Lân là vậy, ông yêu từng phận người thay vì cao giọng hô hào yêu cả nhân loại.
Không gian tưởng niệm cố nhà văn Kim Lân
Có thể nói từ những bước đầu tiên đặt chân vào khu tưởng niệm này là được vào một “không gian Kim Lân”, thoảng mùi sen, hòa quyện từng con chữ, không gian chữ. Tôi biết họa sĩ Thành Chương đã thẩm thấu trọn vẹn tinh thần và hồn cốt của cụ, đã phải bước qua nỗi nhọc lòng, tuyệt vọng mới làm nên được một công trình, một tác phẩm gây xúc động đến như vậy. Hình như nó giống như “Khúc tưởng niệm ( Requiem) trong âm nhạc. Chỉ khác là khúc tưởng niệm của Thành Chương chưa đến hồi kết. Hồi kết đó dành cho mỗi người được đối diện với không gian tưởng niệm này.
Newer news items:
Older news items:
|