---
LIÊN HỆ

04 3991 2970

DỐC DÂY DIỀU - ĐẬP KÈO CẢ
XÃ HIỀN NINH - HÀ NỘI
vietphuthanhchuong@gmail.com

Một không gian tưởng niệm "đi từ không đến có"
Viết bởi Trần Vũ Long - Báo Văn Nghệ   

Đã từ lâu Việt phủ Thành Chương nổi tiếng khắp cả nước là một khu văn hoá kiến trúc mang đậm bản sắc của người Việt. Hàng triệu lượt người đã tìm đến để tham quan và không khỏi thán phục chủ nhân của nó. Sáng ngày 24/7/2012, chính tại đây đã diễn ra lễ khánh thành Không gian tưởng niệm Nhà văn Kim Lân. Tới dự có nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; nhà văn Nguyễn trí Huân, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; hoạ sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam… cùng đông đảo các văn nghệ sĩ, bạn bè của gia đình hoạ sĩ Thành Chương.

Có lẽ chưa đâu có không gian tưởng niệm nhân vật lại chẳng hề có bất cứ một kỉ vật gì của người quá cố. Với tài năng và tấm lòng của mình, hoạ sĩ Thành Chương đã làm nên một không gian như thế để báo hiếu người cha quá cố của mình. Một không gian đi từ không đến có. Nếu như nhà lưu niệm nhà văn Kim Lân tại phố Trần Khát Chân được khánh thành cách đây không lâu dành để trưng bày những đồ dùng, vật dụng của ông thì không gian tưởng niệm do hoạ sĩ Thành Chương tạo nên lại mang một tinh thần hoàn toàn khác. Nó tạo cho người tham quan cảm nhận một không khí ấm cúng linh thiêng, gần gũi, thanh thản, dung dị khi nghĩ về người quá cố, lại vừa tạo một cảm giác hứng khởi được chiêm ngưỡng, khám phá một không gian nghệ thuật thị giác ấn tượng và đầy sáng tạo. Hoạ sĩ Thành Chương đã xây cất phía sau nhà Tường Vân của khu Việt Phủ một ngôi nhà năm gian hai chái, tượng trưng cho ngũ phúc, cũng chính là ngôi nhà mà bố ông đã từng sống khi còn ở quê hương Bắc Ninh. Khu tưởng niệm được bắt đầu bằng một lối vào nhỏ hẹp tạo cho ta cảm giác một chút khiêm nhường trong cái sự chật chội. Cái lối nhỏ chật chội đó đưa ta đến thẳng bàn thờ của nhà văn Kim Lân. Sau khi thắp nén hương tưởng nhớ người quá cố, là cả một không gian rộng rãi được mở ra hai bên với một màu trắng toát làm chủ đạo. Không hề có bất cứ một đồ vật nào được kê trong cái không gian rộng đó, vậy mà người xem cứ bị cuốn đi, đắm chìm trong đó. Đắm chìm trong một không gian của văn chương chữ nghĩa. Cái mà nhà văn Kim Lân để lại cho con cháu cho đời lớn nhất đó là những tác phẩm của ông, đó là những con chữ mà ông trăn trở và tôn thờ. Và đó chính là ý tưởng gợi mở cho hoạ sĩ Thành Chương tạo nên một không gian ấn tượng như vậy. Trên nền tường màu trắng, Thành Chương đã viết tên và trích đoạn những tác phẩm của cha mình bằng một con mắt của người hoạ sĩ. Chính sự tài hoa của mình mà Thành Chương đã tạo nên một tác phẩm nghệ thuật thật đặc sắc, thật ấn tượng với người xem. Tất cả chỉ là nền trắng và nét chữ màu đen. Có hai điểm nhấn bằng gam màu đỏ, là tên của hai tác phẩm: Vợ nhặt, Làng. Đó là hai tác phẩm đặc sắc làm nên tên tuổi nhà văn Kim Lân. Đó là hai dấu son trong cuộc đời sáng tác của ông.

Nhà văn Kim Lân đã quá nổi tiếng với độc giả văn chương cả nước với những tác phẩm như: Vợ Nhặt, Làng, Nên vợ nên chồng, Con chó xấu xí, Ông Cả Ngũ… Văn chương của ông dung dị mà sâu sắc mang đậm sắc thái nông thôn miền Bắc, cũng giống như chính con người ông lúc sinh thời vậy. Tất cả những ai đã từng gặp Kim Lân không chỉ yêu quý ông qua những tác phẩm mà họ yêu quý, kính trọng vì chính nhân cách con người ông. Kim Lân đã sống một cuộc đời hết sức mộc mạc giản dị mà giàu tính nhân văn. Có thể ví ông giống như một lão nông uyên thâm đã thấm hiểu lẽ đời, nhân tình thế thái sống ẩn mình giữa lòng thủ đô. Cả cuộc đời ông sống hết mình vì một chữ Tình và hết mình với những con chữ. Chính vì tôn quý văn chương chữ nghĩa mà ông đã gác bút mấy chục năm trời cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay. Bởi ông nghĩ mình sẽ không thể viết hay hơn được nữa. Nhưng với những tác phẩm mà ông đã viết ra cũng đã đủ để ghi dấu ấn Kim Lân cho nền văn học nước nhà. Một nhân cách của người quá cố, một không gian của Việt phủ Thành Chương, một sự tài hoa của người hoạ sĩ, tất cả đã cộng hưởng tạo nên một không gian tưởng niệm nhà văn Kim Lân thật ấn tượng.