---
LIÊN HỆ
04 3991 2970
DỐC DÂY DIỀU - ĐẬP KÈO CẢ
XÃ HIỀN NINH - HÀ NỘI
vietphuthanhchuong@gmail.com
Không gian trắng |
Viết bởi Anh Sa |
Theo họa sỹ Thành Chương – con trai trưởng của cố nhà văn Kim Lân, không gian này thể hiện chính xác nhất về tinh thần và con người của cha mình – một nhà văn cả cuộc đời sống thanh bạch, nhẹ nhàng, khi mất đi, thứ duy nhất ông để lại chính là những con chữ trong các tác phẩm văn học của mình. Không gian tưởng niệm vừa được khánh thành và giới thiệu tại Việt Phủ Thành Chương. Lấy cảm hứng từ kết cấu nhà 5 gian gần giống ngôi nhà sinh ra Kim Lân ở làng chợ Giầu, Từ Sơn, Bắc Ninh – cũng là một kiểu nhà truyền thống của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Tính nghệ thuật bắt đầu xuất hiện khi tác giả chủ định sơn phủ toàn bộ không gian đó bằng một màu trắng tinh khiết. Chính cái không gian trắng toàn bộ đó hướng thị giác người xem theo hướng không bình thường, nó gần như đánh lừa sự cảm thụ của thị giác trong một không gian khép kín, không có điểm bắt đầu và cũng không thấy điểm kết thúc theo luật xa gần thường thấy. Nó hướng thị giác vào một không gian “mênh mông” dù khá nhỏ hẹp về diện tích. Từ đó, thị giác người xem sẽ “phản hồi” bằng cảm giác nhẹ nhàng, gần gũi, thoải mái, giản dị… nhưng không hề thực. Sự trình diễn đã được đẩy lên cao hơn với những nét chấm phá, điểm xuyết bằng các mảng màu đen khá tương phản, mảng màu đen này chính là những con chữ hết sức thực được trích ra từ các tác phẩm văn học của cố nhà văn Kim Lân. Trong không gian trắng – đen thuần khiết ấy, tác giả nhấn mạnh các mảng màu đỏ bằng những nét chữ “Làng”, “Vợ nhặt” – tiêu đề hai tác phẩm tiêu biểu của Kim Lân. Sự “nhấn” này cùng một lúc hoàn thành hai nhiệm vụ: thu hút thị giác người xem, chỉ ra tên tác phẩm tiêu biểu và khiến sắc độ của không gian sinh động hơn. Không gian trắng của nhà văn Kim Lân Sự điểm xuyết này một lần nữa hướng thị giác người xem như đang đứng trước một trang sách nào đó, và nếu thu ngắn khoảng cách nhìn sẽ đọc được (nội dung) các trích đoạn trong tác phẩm của Kim Lân. Đương nhiên sẽ “dẫn đường” người xem theo đúng ý đồ của tác giả. Về kết cấu, đó là một ngôi nhà bình thường, có đầy đủ các cung hình: thẳng, gấp khúc, uốn lượn… nhưng sự khéo léo là cách kết nối khá nhịp nhàng, có ý đồ tạo hình và đồng màu. Vì thế, nó gợi lên một không gian khá siêu thực, bứt ra khỏi lối trình bày mang dáng dấp của một không gian bảo tàng, bảo tồn thường thấy. Phía trên tường (kết cấu giữa tường với mái nhà), được vẽ những mảng màu ghi có hình đám mây cách điệu, kiểu trang trí gần như “đường diềm” này tạo hiệu ứng hư ảo như trong một ngôi nhà thờ nào đó, rất phù hợp với một không gian thờ tự người quá cố và mang đậm tính Á Đông. Nói một cách khái quát, toàn bộ không gian tưởng niệm được “trình diễn”theo phong cách nghệ thuật sắp đặt (Installation Art) hiện đại. Và điều thành công nhất của không gian tưởng niệm này chính là sự loại bỏ hoàn toàn khoảng cách giữa người xem và tác phẩm. - Thưa họa sỹ Thành Chương, xuất phát từ ý tưởng nào để ông quyết định thực hiện một kiểu không gian tưởng niệm khá lạ lùng này? - Đây là một câu chuyện khá dài, khi cha tôi biết mình không sống được lâu nữa, ông đã dặn dò tôi rằng: “Cả đời cha không để lại cái gì đáng kể, ngoài những tác phẩm văn học. Các anh em con mỗi người mỗi tính, vì thế khi cha mất, con nên động viên anh em giữ ngôi nhà Hạ Hồi này lại. Ngôi nhà này là nơi các con trưởng thành, cũng là nơi cha gắn bó lâu dài với nó…”. Chính tôi đã hứa với cha sẽ cố gắng thực hiện ý nguyện này. Tôi biết cha tôi muốn ngôi nhà nhỏ này là nơi thờ tự, lưu giữ những gì còn lại của mình. Ngoài ra còn một ý sâu xa khác của cha tôi là muốn mỗi khi đến dịp cúng giỗ, tết lễ anh em chúng tôi sẽ tề tựu về đây như một sự sum họp để gắn kết tình anh em, máu mủ. Nếu xét về góc độ tâm linh thì ngôi nhà đó chính là nơi thấm đẫm tình cảm của cha tôi. Nó cũng hết sức phù hợp với việc làm một khu tưởng niệm, lưu niệm của nhà văn Kim Lân. Thế nhưng rất tiếc! Sau khi cha tôi mất, anh em chúng tôi đã không thể thống nhất được phương án lưu giữ ngôi nhà này. Là con trai trưởng nên tôi rất buồn và cảm thấy có lỗi với cha mình, nhưng đây là chuyện hết sức tế nhị của gia đình, thật sự rất khó thống nhất! Sau khi bán ngôi nhà, tất cả những hiện vật còn lại như cái bút, cái ba-toong, quyển sách, ấm trà… của cha tôi được chị gái tôi (họa sỹ Nguyễn Thị Hiền) chuyển về ngôi nhà số 35, ngõ 424, Trần Khắc Trân (Hà Nội) và thành lập một khu gọi là “Nhà lưu niệm nhà văn Kim Lân”. Cá nhân tôi hoàn toàn tôn trọng điều đó. Nhưng xét theo văn hóa Việt Nam, tôi là con trai trưởng nên có trách nhiệm phải thờ tự tổ tiên và cha mình, rất may tôi còn lại bát hương của gia tộc, cũng có nghĩa là bát hương chính thức thờ nhà văn Kim Lân. Với một di vật tâm linh duy nhất như thế tôi đã trăn trở rất nhiều và cuối cùng đi đến quyết định thành lập một không gian tưởng niệm phi vật chất mang tính nghệ thuật sắp đặt như vậy. - Đó mới là cái lý do về phía gia đình, ở đây tôi muốn ông nói rõ về ý tưởng nghệ thuật? - Thứ nhất tôi muốn minh chứng một điều đơn giản rằng, để lưu giữ một hình ảnh nào đó về con người không nhất thiết phải dựa vào các di vật còn lại. Dù rằng, những di vật đã từng một thời gắn bó với họ rất dễ dàng khiến các thế hệ sau cảm nhận và ít nhiều biết được con người đó. Nhưng ở đây tôi muốn đẩy lên một bước nữa, nghĩa là tinh thần của con người. Muốn hiểu chính xác về một con người không đơn giản chỉ dựa vào ngôi nhà, cái quần, cái áo hay những thứ vật chất mà họ đã từng sử dụng hoặc từng gắn bó. Cái quan trọng hơn chính là tinh thần của họ, nếu hiểu được tinh thần ấy cũng có nghĩa mình hiểu được hết con người họ. Tôi là con trai của nhà văn Kim Lân vì thế tôi hiểu rõ về tinh thần của cha mình. Xuất phát từ ý tưởng đó, tôi quyết định thể hiện một không gian phi vật thể, nghĩa là không xây dựng không gian đó theo hướng bảo tàng, bảo tồn mà “bảo tồn” cái tinh thần cao nhất của cha tôi. Ấy là sự thanh bạch, giản dị, trong sáng, phi vật chất… Như các bạn đã biết, cha tôi từ nhỏ cho dến khi trở thành nhà văn rồi mất di, về vật chất ông chẳng có gì đáng kể, nói chính xác hơn, ông là người không mấy khi để ý đến vật chất, toàn bộ cuộc sống của ông là sự sâu sắc, tao nhã, nhẹ nhàng, dí dỏm… Chính vì vậy, một không gian tinh khiết nhẹ nhàng là phù hợp nhất với tinh thần của nhà văn Kim Lân. - Với nghệ thuật nói chung và nghệ thuật thị giác nói riêng, mọi lời bình luận hay kể lể thường không lột tả được trọn vẹn, nhưng ông là tác giả của không gian tưởng niệm này, ông có thể nói rõ hơn về nó vì tác giả bao giờ cũng hiểu tác phẩm của mình nhất? - Trước hết, tôi muốn nói về vị trí đặt khu tưởng niệm, đây là vị trí trung tâm của Việt Phủ, nó nằm ở vị trí như là hậu cung. Và như các bạn biết hậu cung nghĩa là nơi riêng tư, nơi lưu giữ những gì không muốn phổ biến và rất quan trọng với gia chủ. Vì không gian tưởng niệm có một di vật tâm linh là bát hương chính thức thờ tự nhà văn Kim Lân nên nó phải là nơi trung tâm của gia đình. Mỗi dịp cúng giỗ sẽ được thực hiện ở đây và chỉ ở đây mới có ý nghĩa! Tôi xin nhấn mạnh một lần nữa, hồn cốt của cha tôi chính là ở đây mà biểu hiện là bát hương thờ tự này! Và chỉ ở đây mới có ý nghĩa tâm linh. Vì nó nằm ở nơi “hậu cung” nên lối vào phải là nơi kín đáo, nhẹ nhàng, không phô trương, không cầu kỳ. Mọi người nếu đến đây, trước hết sẽ đi vào một cửa rất nhỏ và khá chật. Lối đi này cũng biểu thị sự khiêm tốn như tính cách của nhà văn Kim Lân. Cái họ nhìn thấy đầu tiên chính là bức chân dung nhà văn Kim Lân do chính tay tôi chụp khi cha tôi về thăm ngôi làng đã sinh ra mình, bức chân dung này không tạo hình theo lối ảnh thờ mà có kích cỡ khá lớn như một bức chân dung bình thường. Tiếp theo, người xem sẽ bất ngờ với toàn bộ không gian màu trắng của ngôi nhà – trắng từ nền nhà cho đến trần nhà – trắng toàn bộ. Từ một sự chật hẹp chuyển sang không gian rộng của màu trắng sẽ gây cảm giác khá mạnh về sự cảm nhận của thị giác. Hơn nữa tôi có yêu cầu mọi người khi vào không gian tưởng niệm phải bỏ giày, dép ở ngoài, áp bàn chân trần xuống nền nhà, đi nhẹ nhàng, không gây ra tiếng động, chỉ có mùi hương trầm, tiếng gõ mõ tụng kinh khe khẽ… cùng với một không gian tinh khiết sẽ cho một hiệu ứng rất hay về mặt cảm nhận. Khi đã bước vào trong không gian đó, người xem sẽ bắt đầu chú ý vào những mảng màu đen là những con chữ được in nguyên bản trên tường. Tất nhiên thị giác của họ sẽ bị hút vào, và chính nội dung của những trích đoạn văn học ấy sẽ cuốn họ đi mãi trong không gian đó. Về những mảng màu đó được vẽ bằng chữ “Vợ nhặt”, “Làng” thì đơn giản là nhắc người xem về một trong hai tác phẩm tiêu biểu của nhà văn Kim Lân, và cũng làm màu sắc trong không gian đó được phong phú hơn. Nếu xét về hội họa thì đó như những nét nhấn nhá, làm mềm mại toàn bộ không gian với gam trắng – đen chủ đạo. Trong không gian trắng đó, tôi cũng bố trí một cách hài hòa những góc, những hình vòm, những đường thẳng, hay những sự chuyển biến về độ cao… để tạo sự phong phú, cũng như việc bố trí các trích đoạn tác phẩm được đầy đặn, nhịp nhàng hơn rất nhiều so với một không gian phẳng. Nói tóm lại, tôi muốn hướng người xem cảm nhận một không gian giản dị, thanh sạch, nhẹ nhàng, đôi lúc dí dỏm… đúng như tinh thần của cha mình. - Một số ý kiến cho rằng việc ông xây dựng không gian tưởng niệm nhà văn Kim Lân tại Việt Phủ Thành Chương cũng đồng nghĩa với việc kinh doanh danh tiếng cha mình, lý do là toàn bộ khu Việt Phủ này đã đi vào hoạt động kinh doanh như một dịch vụ du lịch văn hóa? - Phải nói cụ thể thế này, thứ nhất Việt Phủ dù đã là một nơi kinh doanh du lịch văn hóa nhưng vẫn là nhà của tôi. Nếu tôi không thành lập không gian tưởng niệm này thì bát hương thờ tự cha tôi vẫn được đặt ở đây. Thứ hai, như tôi đã nói, không gian tưởng niệm này được đặt ở vị trí riêng tư, cũng có nghĩa nó không nằm trong danh mục dịch vụ của Việt Phủ, và không phải lúc nào tôi cũng mở cửa để cho khách tự do đi vào thưởng lãm. Nơi này chỉ mở cửa vào những dịp quan trọng như cúng giỗ, tết lễ, ngày rằm… hoặc người thân, nhà nghiên cứu, bạn đọc yêu quý nhà văn Kim Lân muốn đến thăm viếng. Nói cụ thể hơn, nếu ai đó, hoặc tập thể nào đó có nhu cầu và yêu mến nhà văn Kim Lân một cách chân thành thì liên hệ trực tiếp với tôi sẽ có hướng dẫn cụ thể. Như vậy có thể nói, không gian tưởng niệm của nhà văn Kim Lân không nằm trong danh mục dịch vụ kinh doanh của toàn bộ khu Việt Phủ, đó là một không gian nghệ thuật sắp đặt mang tính riêng tư của gia đình và những người thân thiết. Nhưng cũng xin nói rõ thêm, quan điểm cá nhân tôi không đánh đồng, hoặc e ngại việc người đời nói tôi kinh doanh danh tiếng của cha mình. Xét về góc độ cá nhân, nhà văn Kim Lân là bố đẻ tôi, nhưng đối với xã hội thì ông có sự đóng góp quan trọng cho văn chương, cho cách mạng… nói nôm na nhà văn Kim Lân là người của công chúng, người nổi tiếng cũng có nghĩa danh tiếng của ông không thuộc về cá nhân tôi nữa. Vì vậy, Nếu tôi làm cho danh tiếng của cha mình mỗi ngày càng sống lâu hơn với thời gian thì đó phải là niềm tự hào! Và nếu, từ danh tiếng của cha mình, khu Việt Phủ càng được công chúng quan tâm hơn, mang lại nhiều lợi nhuận hơn cho cá nhân tôi, gia đình tôi, nói rộng ra là cho toàn xã hội thì điều đó đáng phải làm lắm chứ! Tôi chỉ sợ dù có cố gắng bao nhiêu thì tiếng tăm cha mình vẫn vậy, hoặc chẳng có ai quan tâm thì mới là sự hổ thẹn với linh hồn cha mình. - Câu hỏi cuối cùng, như chúng ta đã biết, trước đó chị gái ông, họa sỹ Nguyễn Thị Thu Hiền đã thành lập một Nhà lưu niệm nhà văn Kim Lân, bây giờ ông lại thành lập Không gian tưởng niệm nhà văn Kim Lân. Như vậy một nhà văn lại có hai nơi tưởng niệm, điều này có gì đó thiếu tế nhị hoặc bất thường so với thông lệ, ông lý giải như thế nào? - Đây là việc tế nhị, liên quan đến gia đình và là vấn đề riêng tư, tôi không bình luận nhiều về khu lưu niệm cha tôi tại nhà chị Hiền. Xin mượn lời của nhà văn Đỗ Chu – một người rất thân với cha tôi, ông ấy nói đại ý thế này: “…Cái Hiền là nữ nhi ngoại tộc, việc thờ tự nhà văn Kim Lân là việc của Thành Chương vì nó là con trai trưởng…”. Hẳn các bạn đã hiểu ý nghĩa của câu nói đó. Riêng với tôi thì quan niệm đơn giản thế này, nếu ai muốn chiêm ngưỡng những hiện vật từng một thời gắn bó với nhà văn Kim Lân thì xin mời tới nhà chị Hiền, còn nếu ai muốn thưởng thức một không gian nghệ thuật đúng nhất với tinh thần của nhà văn Kim Lân thì đến Việt Phủ. Chỉ ngắn gọn như vậy và tôi không muốn nói thêm điều gì. - Xin cảm ơn ông Newer news items:
Older news items:
|